Nhat Nam

Lãi suất giảm nữa, tiền vẫn chảy vào tiết kiệm!

Đăng lúc: 05/12/2012 22:59:12

Cho rằng các kênh đầu cơ vàng, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ đều khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn, UBGS khẳng định, lãi suất có hạ tiếp 1% thì huy động vốn ngân hàng vẫn khỏe.

Lãi suất cao đã kéo dài trên 30 tháng

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS) trong báo cáo phân tích tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng thì cộng đồng doanh nghiệp hiện vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.

Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đã tăng đáng kể so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu 9 tháng đầu năm, có khoảng 40.200 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động thì đến tháng 11, con số này đã ở mức 46.500 doanh nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó ở cả hai khâu đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Tại báo cáo này, UBGS phân tích khá chi tiết về gánh nặng chi phí mà trọng tâm là chi phí tài chính, đang ngày một đắt đỏ hơn, bào mòn từng doanh nghiệp.

Chi phí tài chính cao bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Chi phí tài chính cao bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Cơ quan này chỉ ra rằng, việc phải chịu mức lãi suất cao trên 15%/năm trong thời gian kéo dài trên 30 tháng đã làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo khảo sát do UBGS thực hiện, chỉ tính đến cuối quý I/2012, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gần 25% so cuối năm trước. Từ đó tác động đến tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức khoảng 7% so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011.

Yếu tố về lãi suất cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Lãi suất tại Việt Nam hiện đang cao từ 2-3 lần so với các nước cùng khu vực. Do đó, nếu giả sử các yếu tố khác không đổi thì giá thành của Việt Nam đang cao hơn so Ấn Độ 2%, Thái Lan 2,51%, Trung Quốc 2,6% và Singapore 2,8%.

Cần mạnh dạn giảm ngay lãi suất 1%

UBGS cho rằng, những hành động chính sách phải "sớm" và "quyết liệt", giải pháp phải cụ thể và đi thẳng vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Ủy ban, có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Cùng với đó,cơ quan này đưa ra hàng loạt luận điểm, khẳng định cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng. Thứ nhất, lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm.

Thứ hai, với việc lạm phát có thể được kiềm dưới 8% thì chênh lệch lãi suất tiền gửi và lạm phát không còn (lãi suất thực bằng 0) thì nguy cơ tiền gửi bị rút để chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán là rất thóa - các kênh này cũng đang gặp khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.

Ủy ban ghi nhận, từ đầu năm đến nay mặc dù lãi suất huy động đã giảm 5% song tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và mức tăng khoảng 15% so đầu năm. Như vậy, gửi tiền tại ngân hàng vẫn đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài cũng khiến kênh nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư. Do vậy, UBGS khẳng định, việc hạ lãi suất tiền đồng cũng sẽ không tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD (nếu có).

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG